
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm bứt phá trên tất cả các lĩnh vực của ngành, do đó cần có sự phối hợp tích cực từ các địa phương, nhà khoa học để góp phần triển khai thành công vai trò của ngành KH&CN theo kế hoạch đề ra trong năm 2022.
Báo cáo tóm tắt kết quả ngành KH&CN đạt được trong quý I/2021, ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trong 03 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế, song được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN, UBND tỉnh và các ban ngành, đơn vị liên quan đã hỗ trợ, giúp hoạt động KH&CN trong quý I/2022 của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch năm, bám sát chương trình công tác của tỉnh, địa phương và đơn vị; bám sát thực tiễn sản xuất vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Kim Tùng báo cáo kết quả ngành KH&CN đạt được trong quý I và phương hướng hoạt động của ngành trong thời gian tới
Theo đó, ngành KH&CN đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành 14 văn bản phục vụ quản lý Nhà nước (QLNN) về ngành KH&CN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của ngành như “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030”; “Kế hoạch Triển khai Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2022”; Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, năm 2022; Đề án “Cố đô Khởi nghiệp năm 2022” (Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28/02/2022); “Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022” (Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 04/3/2022) và “Tổ chức Ngày hội Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 Techfest Hue 2022” (Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 04/3/2022); Thực hiện Chương trình số 3328/CTPH-BKHCN-TTH ngày 22/11/2021 về Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030,..
Về hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN, trong 03 tháng qua, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước, ngành KH&CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ KH&CN 04 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia bắt đầu năm 2022; Đăng ký tham gia tuyển chọn để thực hiện 01 nhiệm vụ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2022 “Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện nhiệm vụ và bảo vệ thành công Thuyết minh và dự toán 01 đề tài KH&CN cấp Quốc gia; Tổ chức 05 hội nghị tuyển chọn, giao trực tiếp các đề tài/dự án (01 nhiệm vụ đột xuất năm 2021 và 04 nhiệm vụ thuộc kế hoạch năm 2021 đợt 02) bảo đảm đúng các quy định của tỉnh và Bộ KH&CN ban hành; tổ chức thẩm định nội dung 02 đề tài/dự án (Nhiệm vụ thuộc kế hoạch năm 2021) và tổ chức thẩm định dự toán 05 đề tài/dự án (Nhiệm vụ thuộc kế hoạch năm 2021),...
Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ trong thời gian qua đã tham gia ý kiến về công nghệ một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, cụ thể như công nghệ sử dụng trong Dự án Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính Chân Mây; công nghệ xử lý, tuần hoàn nước thải sử dụng trong dự án đầu tư,... Đối với lĩnh vực này, Sở KH&CN đã ban hành “Kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022” và đến thời điểm hiện tại, đã tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ cho 67 hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND của các tổ chức, doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị
Đối với công tác QLNN về an toàn bức xạ đã đi vào nề nếp, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở bức xạ thực hiện theo quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn bức xạ và các thủ tục khai báo, cấp/gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định. Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022” (Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 21/02/2022); Tham mưu Báo cáo công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 gửi Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Tham mưu thành lập Ban Tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.
Hoạt động sở hữu trí tuệ ngành KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 2898/QĐ-UBND ngày 16/11/2020); Chủ trì, triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 “Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đầu tư và dần đi vào thực chất. Sở KH&CN đã ban hành “Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2022” (Kế hoạch số 245/KH-SKHCN ngày 28/01/2022); Tổ chức ngày hội Cố đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022; Tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp mùa xuân và phát động Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022; Triển lãm sản phẩm KH&CN và đổi mới sáng tạo đã thu hút 82 đơn vị tham gia trưng bày, hơn 300 sản phẩm với hơn 117 gian hàng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đã thu hút hơn 3000 người đến tham quan, mua bán và tạo cơ hội kết nối, hợp tác, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chuyển giao công nghệ, mở rộng phát triển thị trường của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tỉnh, trong khu vực, trong nước.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra KH&CN đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra KH&CN năm 2022 (Quyết định số 12/QĐ-SKHCN ngày 14/01/2022); Kế hoạch phòng chống tham nhũng năm 2022; Kế hoạch tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2022. Bên cạnh đó, trong 03 tháng đầu năm 2022, đã triển khai 01 cuộc thanh tra về hoạt động KH&CN đối với các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Quyết định số 71/QĐ-SKHCN ngày 23/3/2022) tại 03 tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như tiếp tục giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại tại các doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định.
Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục phát huy hiệu quả ngay trong những tháng đầu năm 2022; đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động đo lường trong doanh nghiệp gắn với chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế”; Tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch, Quyết định nhằm triển khai các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022. Ngoài ra, công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được quan tâm thực hiện theo đúng quy định.
.jpg)
Toàn cảnh Hội nghị
Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp KH&CN đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tư vấn dịch vụ của đơn vị theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các thủ tục để triển khai các Dự án như “Xây dựng tổ chức chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, “Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000, HACCP) và nâng cao năng lực thử nghiệm, đo lường phục vụ doanh nghiệp và quản lý nhà nước” của Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin khoa học. Đối với Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tiếp tục triển khai các Dự án và hoàn thành một số nội dung như tập huấn nghiệp vụ, thăm dò, khai quật và xử lí sơ bộ các bộ mẫu xương. Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã được Bộ KH&CN thông qua thuyết minh và dự toán đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam” và đã hoàn thiện Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Hoạt động sự nghiệp KH&CN và đổi mới sáng tạo cấp cơ sở được triển khai tích cực rộng khắp, các nội dung của công việc đã bám sát cụ thể kế hoạch của ngành, vì vậy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ngay từ đầu năm 2022, các huyện/thị xã/thành phố đã chủ động, tích cực trong hoạt động QLNN về KH&CN trên địa bàn, UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động KH&CN tại các địa phương. Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện/thị/thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho lãnh đạo, cũng như hướng dẫn, theo dõi, quản lý các nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn, tham mưu kiện toàn các Hội đồng KH&CN cấp huyện, tổ chức các hoạt động QLNN và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN sẽ triển khai trong năm 2022. Đặc biệt, phối hợp triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thuộc chức năng QLNN, ngành sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN; quản lý công nghệ và thị trường công nghệ; quản lý an toàn bức xạ hạt nhân; sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thanh tra, kiểm tra KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh trong 09 tháng cuối năm 2022 theo kế hoạch đề ra đầu năm với mục tiêu “Nâng cao năng lực và hiệu quả QLNN nhằm phát triển mạnh mẽ KH&CN, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; Tập trung đầu tư vào KH&CN, hỗ trợ các ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sáng chế thông qua các dự án KH&CN; Đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các thiết chế, tiềm lực, nhân lực KH&CN trên địa bản tỉnh, trong năm 2022, ngành sẽ ưu tiên hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tập trung tham mưu sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, hỗ trợ đầu tư phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung, hỗ trợ triển khai các dự án phát triển tiềm lực KH&CN của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tại Huế; Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bổ sung danh mục đầu tư công giai đoạn 2022-2025 để triển khai các dự án tăng cường nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp.

Ông Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm
Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm đã chia sẻ một số hoạt động cụ thể cũng như cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Nông Lâm với ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được trường thực hiện rất có hiệu quả, đặc biệt trong những năm gần đây, để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này, Trường Đại học Nông Lâm đã liên kết và hợp tác có hiệu quả với ngành KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đặt hàng của tỉnh cũng như thực hiện các nhiệm vụ theo hình thức tuyển chọn để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông qua báo cáo tóm tắt “Cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Nông lâm với ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế” và bài tham luận “Về nhu cầu ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp gắn với các địa phương”.

Đại biểu thảo luận, trao đổi và đưa ra các đề xuất tại Hội nghị
Hội nghị cũng đã được nghe nhiều ý kiến, trao đổi từ đại diện các trường đại học, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, tập trung đến hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cây dược liệu và tiềm năng phát triển giống cây trồng, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa phương và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trên địa bàn. Nhiều ý kiến đã đánh giá cao sự phát triển, đóng góp từ hoạt động của ngành KH&CN trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên với mong muốn cho sản phẩm nông nghiệp có thể kết nối, duy trì và đưa vào thương mại hóa, nhiều đề xuất đã được các đại biểu góp ý tại buổi giao ban giúp ngành phát triển hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN hoan nghênh các ý kiến phát biểu của đại diện các địa phương rất sát với thực tế, đồng thời ngành sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các đại biểu từ các đơn vị, địa phương. Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, với quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu và kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, ngành KH&CN rất mong nhận được sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan về các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN vào thời gian tới để đẩy mạnh các ứng dụng, chính sách để phát triển, từ đó triển khai có hiệu quả các nội dung, kế hoạch, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm KH&CN của cả nước trong thời gian đến.