Trong những năm trở lại đây, ở A Lưới đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, trong đó phải kể đến việc hình thành các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm như nuôi nhím, nuôi thỏ, nuôi ếch và nuôi heo rừng. Tất cả những mô hình này đều xuất phát từ những yếu tố thuận lợi về môi trường tự nhiên, nhân lực và thị trường tiêu thụ. Và đáng nổi bật là có một thanh niên đã thành công trong việc nuôi heo rừng, biết vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, từ kiến thức học được ở sách vở và từ kinh nghiệm thực tế.
Không cam chịu cảnh ngày ngày cắm mặt trên rẫy vẫn không đủ ăn, chàng trai người Pa cô-Hồ Xuân Trạch (34 tuổi), ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm cách thuần chủng heo rừng và nhân giống thành đàn và trở thành trang trại nuôi heo rừng đầu tiên và lớn nhất ở huyện A Lưới.
Chàng trai này khởi nghiệp bằng việc đi rừng đặt bẫy bắt sống được 5 con heo rừng ưng ý đem về nuôi trong vườn cùng với heo nhà. Ban đầu do nuôi không đúng kỹ thuật, nên đã có 3 con chết. Cũng may còn 2 con có thể giao phối nên anh tìm cách chăm sóc, đem vào môi trường tự nhiên để nó sống sót. Anh miệt mài đọc tài liệu tham khảo và phát hiện ra rằng, để thành công phải nuôi chúng trong môi trường nhân tạo y hệt với môi trường chúng sống. Điều quan trọng là phải có cây cối, chăn thả trong một diện tích rộng để heo có thể đi lại tự do và khu rừng bằng phẳng, xa khu dân cư đông đúc. Khí hậu ôn hòa ở xã Hương Phong, cách trung tâm thị trấn A Lưới 20km đã thực sự là một môi trường trong lành, nơi đây rừng cây, độ che phủ lớn, chuối rừng từng rẫy lớn, nước suối tự nhiên với dòng chảy mạnh, hệ thống giao thông thuận lợi đã một phần nào tạo điều kiện cho anh phát triển đàn heo rừng theo ý tưởng của mình.
Từ năm 2008, anh làm đơn xin vay vốn để xây trang trại với quy mô lớn. Do có học qua chuyên môn nghiệp vụ nông lâm, chăn nuôi thú y cộng thêm việc tự đọc sách kỹ thuật, kết hợp tham quan các mô hình làm kinh tế trên địa bàn huyện. Từ những thứ đó anh đã tìm đúng kỹ thuật nuôi, trại heo của anh nhanh chóng phát triển. Từ 2 con giống tự thuần, đến nay anh đã có trong tay hơn 100 con heo bố mẹ. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được anh cho biết: “Chỉ cần heo thích nghi được là chúng sinh sản rất nhanh. Mỗi năm, một heo mẹ có thể sinh được 20 con/2 lứa”.
Thịt heo rừng rất được thực khách ưa chuộng nên với mức giá 150.000 đồng/kg, được nhiều người mua. Trang trại của anh vì thế thường xuyên nhận được những đơn đặt hàng từ các nhà hàng lớn trên địa bàn huyện A Lưới và thành phố Huế cũng như các huyện lân cận. Đến thời điểm này, bình quân mỗi năm chàng trai người Pa cô này cung cấp cho thị trường không dưới 50 tạ heo thịt.
Không dừng lại ở đó, trang trại của anh còn là nơi cung cấp giống heo uy tín này cho các hộ chăn nuôi khác. Cứ 1 cặp heo 3 tháng tuổi giá thường là 5 triệu đồng, nếu mua con lớn hơn thì giá cao hơn. Tính ra, mỗi năm anh thu về hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kết hợp thêm việc đào ao thả cá để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ trang trại.
Anh Hồ Xuân Trạch cho rằng, nuôi heo rừng không khó, nguồn thức ăn cũng đơn giản chủ yếu là rau khoai, chuối rừng, môn rừng. Tuy nhiên, để có năng suất cao cần có chế độ chăm sóc và chuồng trại hợp lý, nhân công phải tích cực. Ở trang trại của anh hiện có 5 lao động thường xuyên với các công việc thú y, vệ sinh chuồng trại, chế biến thức ăn, bảo vệ, quản lí với mức lương từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, trang trại của anh có 60 con heo trên diện tích 2ha, trong đó có 30 con heo nái, đẻ mỗi lứa từ 6-10 con/mẹ. Tuy cách xa trung tâm huyện nhưng trang trại của anh hàng tháng có rất nhiều tư nhân, đơn vị ở Huế, Hương Thủy, Phong Điền lên tham quan học tập kinh nghiệm và mua giống về nuôi thử. Việc thuần giống heo rừng nuôi trang trại đã phần nào giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi, vừa xóa đói giảm nghèo tại địa phương lại vừa bảo tồn được nguồn gen con giống. Và điều quan trọng là anh Trạch đã biết làm giàu trên sự phát triển bền vững giữa môi trường với sinh kế.
Trần Nguyễn Khánh Phong