1. Đặt vấn đề
Trong số các loại rau cần được lai tạo, chọn tạo và phát triển, cà chua là một trong những cây rau được chú ý nhiều. Song song với những nghiên cứu về giống cà chua nhập nội và các biện pháp kỹ thuật khác đã thu được một số kết quả nhất định. Trong những năm gần đây, Trường Đại học Nông lâm Huế đã khảo nghiệm tập đoàn, chọn dòng thuần, với phương thức sử dụng giống địa phương làm chủ đạo lai với các dòng giống có năng suất cao, chất lượng tốt được thực hiện. Kết quả tạo được nhiều tổ hợp lai cà chua bằng phương pháp lai đơn, đã chọn được 10 tổ hợp lai cà chua có triển vọng. Từ nguồn vật liệu này, việc tiếp tục nghiên cứu khả năng thích ứng của các tổ hợp lai này ở các mùa vụ khác nhau là hết sức cần thiết. Vì vậy nhóm tác giả đã thực hiện đề tài “Đánh giá và tuyển chọn các tổ hợp lai cà chua vụ đông xuân và xuân hè tại Thừa Thiên Huế”, nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh, cho năng suất, đặc điểm hình thái và chất lượng quả của các tổ hợp lai cà chua; tuyển chọn được 2-3 tổ hợp lai cà chua tốt nhất, có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có khả năng chống chịu tốt sâu bệnh, cũng như phù hợp với điều kiện sinh thái Thừa Thiên Huế; làm vật liệu cho việc chọn giống tiếp theo.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Vật liệu nghiên cứu
Thí nghiệm gồm 10 tổ hợp lai (THL) và 2 giống đối chứng (Đ/C), trong đó 10 THL được mã hóa từ TH1 đến TH10, dùng Bi (giống địa phương) làm Đ/C 2 và T30 làm giống đối chứng 1 (Đ/C 1).
2.2. Nội dung nghiên cứu:
Thí nghiệm 1: Đánh giá một số tổ hợp lai cà chua vụ đông xuân năm 2006- 2007 trên đất phù sa cổ tại Thừa Thiên Huế.
Thí nghiệm 2: Đánh giá một số tổ hợp lai cà chua vụ xuân hè năm 2007 và 2008 trên đất phù sa cổ tại Thừa Thiên Huế.
Thí nghiệm 3: Đánh giá một số tổ hợp lai cà chua mới vụ đông xuân năm 2007-2008 trên đất phù sa cổ tại Thừa Thiên Huế.
Thí nghiệm 4: Đánh giá một số tổ hợp lai cà chua mới vụ xuân hè năm 2008 trên đất phù sa cổ tại Thừa Thiên Huế.
Thí nghiệm 5: Duy trì các dòng bố mẹ và tiếp tục thụ phấn để lấy hạt F1 của các tổ hợp lai cho vụ sau 2007-2008.
2.3. Phương pháp nghiên cứu:
Thí nghiệm trong 2 năm, được bố trí trên đất phù sa cổ có thành phần cơ giới thịt nhẹ, trồng mỗi năm 2 vụ. Năm 2008, vụ đông xuân tại Tây Lộc, thành phố Huế; vụ hè thu tại HTX Hương An, huyện Hương Trà. Mỗi thí nghiệm bố trí theo phương pháp khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB), nhắc lại 3 lần, diện tích mỗi ô là 6m2, tổng diện tích mỗi thí nghiệm là 200m2.
Thí nghiệm vụ đông xuân: Gieo ngày 25/11/2006, trồng ngày 25/12/2006; vụ xuân hè gieo ngày 15/2/2007, trồng ngày 15/3/2007. Năm 2008 bố trí thí nghiệm và áp dụng quy trình gieo trồng tương tự 2007. Phân bón (tính cho một hecta) là 10 tấn phân chuồng + 200kg urê + 500kg lân supe + 200kg Kcl + 400kg vôi bột. Khoảng cách trồng (60 x 55)cm, mật độ trồng 30.000 cây/ha. Các biện pháp kỹ thuật khác được áp dụng đồng đều và thích hợp.
Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, khả năng ra hoa đậu quả, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh... áp dụng theo quy trình khảo nghiệm giống cà chua của Viện Nghiên cứu Rau quả Gia Lâm, Hà Nội.
Đánh giá ưu thế lai chuẩn: [1; 4]
ƯTL chuẩn =
|
F1 - ĐC
|
x 100
|
ĐC
|
F1: con lai, ĐC: đối chứng
Đánh giá tính ổn định môi trường của các tổ hợp lai:
Phương trình
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận:
Đối với thời gian sinh trưởng, phát triển của các THL, thì tuổi cây con 30 ngày. Thời gian sinh trưởng sau trồng của các tổ hợp lai vụ đông xuân 91-97 ngày, vụ xuân hè 87-98 ngày. Nhìn chung các tổ hợp lai này đều có thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu cây trồng của địa phương.
Về đặc điểm hình thái của các tổ hợp lai, hầu hết các THL đều có chiều cao thân chính, chiều cây từ trung bình đến cao, đường kính tán cây lớn, số lá/thân chính nhiều, màu sắc lá xanh nhạt đến xanh đậm, thuộc loại hình sinh trưởng bán hữu hạn và vô hạn. Đây là những tổ hợp lai có khả năng sinh trưởng khỏe, tiềm năng cho năng suất cao. TH3, TH4, TH6 là những i có đặc điểm hình thái tốt nhất, phù hợp với sản xuất thâm canh.
Đối với khả năng phân cành của các THL, trong 2 vụ trồng thì vụ đông xuân có số cành cấp 1 có xu hướng nhiều hơn vụ xuân hè. Điều này cho thấy trong cùng một điều kiện canh tác nhưng vụ xuân hè có điều kiện ánh sáng tốt hơn nên khả năng phân cành mạnh hơn vụ đông xuân. Trong các THL thì TH5, TH9, TH6, TH4, TH10 cho số cành cấp 1 nhiều hơn các THL khác nhưng thấp thua so Đ/C. Số cành cấp 1 có khả năng ra hoa đậu quả cao hơn cành cấp 2, cấp 3, nên nó là cơ sở cho năng suất sau này.
Tất cả các THL đều có số cành/cây rất nhiều ở cả 2 vụ nhưng thấp thua Đ/C 2 và có xu hướng giảm dần từ cành cấp 1, cấp 2 đến cấp 3. Trong các THL thì TH5, TH3, TH4, TH1 có tổng số cành cao nhất so với các THL nhưng thấp thua so Đ/C 2. Số cành/cây nhiều nên đây là những THL sinh trưởng mạnh, trong sản xuất cần trồng với mật độ thích hợp và cần tỉa cành để cho năng suất cao.
Khả năng ra hoa đậu quả của các tổ hợp lai cho thấy, trong 2 vụ thì vụ đông xuân cho tỷ lệ đậu quả cao hơn vụ hè thu. Trong mỗi vụ thì TH3, TH4 cho tỷ lệ đậu quả cao nhất và cao hơn Đ/C.
Đối với tình hình sâu bệnh trên các THL (so sánh với Đ/C 1), trong 2 năm (4 vụ trồng) các THL bị 7 loại sâu bệnh hại như bệnh héo xanh, bệnh xoăn lá, bệnh thối quả… Qua 2 năm theo dõi cho thấy cà chua thường bị các loại bệnh gây hại chính như héo xanh do VK Pseudomonas solanacearum, héo rũ, xoăn lá do virus (TYLCV- xoăn vàng lá) và bệnh thối quả do nấm Colectotrichum spp. Ngoài ra còn một số bệnh nguy hiểm như mốc đen lá (Pseudocersospora fuligena)… Hầu hết các THL đều bị sâu bệnh hại và THL TH7,TH8, TH5, TH1 bị sâu bệnh gây hại nhiều hơn so Đ/C. Biểu đồ 2 cho thấy, trong các THL chỉ có HT4 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn Đ/C 1 và Đ/C 2, không bị bệnh héo xanh, không bị bệnh xoăn lá, có bị thối quả nhưng tỷ quả bị thối (0,2%) không đáng kể trong cả 2 vụ trồng. Tiếp đến là TH3 tỷ lệ bệnh héo xanh và thối quả thấp.
Về đặc điểm hình thái và chất lượng quả của các THL, tất cả các THL thì quả có hình thái đẹp biểu hiện ở hình dạng, kích thước, màu sắc, mẫu mã quả đẹp hấp dẫn người tiêu dùng cũng như độ Brix trong quả cao. Trong đó THL TH3, TH4, TH6 có dạng quả dài, màu đỏ tươi, quả nhỏ nhưng đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng nhất. Trong 2 vụ trồng thì hàm lượng đường, độ Brix ở vụ xuân hè có xu hướng thấp hơn vụ đông xuân, trong lúc đó hàm lượng axít hữu cơ và tỷ lệ khô/tươi cao. Các tổ hợp lai cà chua có triển vọng đều có chất lượng sinh hóa tốt, giá trị dinh dưỡng cao, có tỷ lệ axit hữu cơ/đường tổng số hài hòa tạo hương vị thơm ngon, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó TH4 có nhiều ưu điểm về hàm lượng chất khô, axit hữu cơ, tỷ lệ khô/tươi thấp và đường tổng số cao nhất.
Đối với ưu thế lai chuẩn của các tổ hợp lai cà chua (một số chỉ tiêu có liên quan đến năng suất, về năng suất thực thu, hầu hết tất cả các THL có ưu thế lai chuẩn dương về chỉ tiêu năng suất thực thu, chỉ có TH1 và TH10 có ưu thế lai chuẩn âm so với đối chứng có năng suất lý thuyết cao nhất (Đ/C 1). Trong các tổ hợp lai thì TH4, TH2, TH9 có nhiều ưu thế lai chuẩn dương hơn so với Đ/C cao nhất, đặc biệt TH4 có ưu thế lai chuẩn dương hơn so Đ/C cả về tổng số quả/cây, năng suất lý thuyết và năng suất thực thu. Điều này chứng tỏ rằng TH4 là THL thể hiện khả năng thích nghi và cân đối về các yếu tố cấu thành năng suất nhất, tiếp theo là các tổ hợp lai TH2 và TH9. Tuy nhiên TH1 và TH10 không có ưu thế lai dương so Đ/C.
Đối với tính ổn định của các THL (qua 4 vụ trong đó 2 vụ đông xuân và 2 vụ xuân hè), trong chọn giống và thực tiễn sản xuất rất cần có những giống không biến động lớn khi thay đổi điều kiện gieo trồng, đặc biệt trước những biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết hàng vụ.
4. Kết luận và kiến nghị:
Về sinh trưởng, trong 2 vụ trồng, tất cả các tổ hợp lai đều sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian sinh trưởng vụ đông xuân 91-127 ngày, vụ xuân hè 87-128 ngày phù hợp với cơ cấu cây trồng địa phương và điều kiện sinh thái ở Thừa Thiên Huế, trong đó vụ đông xuân cây sinh trưởng thuận lợi hơn vụ xuân hè. Về năng suất, trong 2 vụ trồng thì các THL cho năng suất lý thuyết và năng suất thực thu (37,90-90,75 tấn/ha) ở vụ đông xuân cao hơn vụ xuân hè (27,06-83,50tấn/ha). Trong đó TH2 và TH4, TH5 cho năng suất lý thuyết và năng suất thực thu cao nhất và cao hơn Đ/C 78,37 -106,06% vụ đông xuân và 110,84-151,15% vụ xuân hè.
Đối với ưu thế lai chuẩn, TH4 là THL thể hiện khả năng thích nghi và cân đối về các yếu tố cấu thành năng suất nhất, tiếp theo là các tổ hợp lai TH2 và TH9. Tuy nhiên TH1 và TH10 không có ưu thế lai dương so Đ/C. Đối với tính ổn định, đã tuyển chọn được 5 THL TH1, TH2, TH4, TH7, TH8 có tính ổn định về năng suất trong 4 vụ trồng (2 vụ đông xuân và 2 vụ xuân hè).
Có thể nói, TH4; TH3 có nhiều ưu điểm nhất, sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, vừa ổn định vừa cho năng suất trung bình cao, quả có chất lượng cao, kích thước, màu sắc mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhóm thực hiện đề tài đã đề nghị cho tiếp tục thử nghiệm so sánh 5 THL TH1, TH2, TH4, TH7,TH8 trên nhiều vùng sinh thái khác nhau nhằm chọn THL tốt nhất cho vùng. Trước mắt đưa TH4, TH2, TH5 ra sản xuất thử ở một số nông hộ và áp dụng các biện pháp phòng chống các đối tượng sâu bệnh để đảm bảo năng suất của cà chua. Ngoài ra, cần tiếp tục giữ nguồn các THL có nhiều ưu điểm làm vật liệu chọn tạo giống mới (giống cho năng suất cao, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, chống chịu sâu bệnh và chịu nóng tốt).