.jpg)
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị
Một sản phẩm muốn tồn tại bền vững thì sản phẩm đó phải thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, điều kiện làm việc của công nhân phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,… Để đáp ứng được các yêu cầu này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã ban hành các tiêu chuẩn như: ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO 17025. Ngoài ra các công ty đa quốc gia trên thế giới cũng đưa ra các tiêu chuẩn liên quan đến từng lĩnh vực hoạt động.
Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, tuy mang trong mình nhiều cơ hội nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh gay gắt của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đến từ những nước phát triển. Từ thực tiễn đó, Nhà nước và doanh nghiệp dần nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ quản lý tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu các rào cảng kỹ thuật trong thương mại khi mở rộng thị trường tiêu thụ ra thế giới.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; quy mô, tiềm lực của phần lớn doanh nghiệp hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên chỉ sản xuất cầm chừng, một số phải ngừng sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 doanh nghiệp đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, chiếm số lượng rất ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và sự cần thiết cho việc áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai thực hiện Dự án “Tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại 03 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh”, gồm: Áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000 tại Công ty Cổ phần Rượu Làng Chuồn và Hộ kinh doanh yến sào xứ Huế Anna; Áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn theo Tiêu chuẩn HACCP tại Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Narasa. Dự án được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị nghiệm thu vào ngày 28/11/2022. TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Mục tiêu của Dự án nhằm thúc đẩy phong trào năng suất và chất lượng của địa phương; xây dựng mô hình triển khai áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP tại 03 doanh nghiệp/cơ sở trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giới thiệu đến các doanh nghiệp những nội dung, yêu cầu và lợi ích đem lại khi triển khai áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP nhằm đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.
.jpg)
Đơn vị chủ trì báo cáo kết quả triển khai Dự án sau 04 tháng triển khai thực hiện
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã triển khai các nội dung như tiến hành khảo sát hoạt động sản xuất, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, nguyên liệu, thiết bị, công nghệ và các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án; Tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, đào tạo Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 02 doanh nghiệp (01 doanh nghiệp và 01 cơ sở sản xuất); Chứng nhận Hệ thống quản lý phù hợp Tiêu chuẩn ISO 22000 tại 02 doanh nghiệp (01 doanh nghiệp và 01 cơ sở sản xuất); Tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, đào tạo Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn theo Tiêu chuẩn HACCP vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 01 Hợp tác xã; Chứng nhận Hệ thống quản lý phù hợp Tiêu chuẩn HACCP tại 01 Hợp tác xã,...
“Do đặc thù là sản phẩm thực phẩm (rượu, gạo, yến, đông trùng hạ thảo) có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, nên các quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm theo ISO 22000, HACCP chặt chẽ, thường xuyên, liên tục nên hạn chế được các nguy cơ nhiễm khuẩn trong các khâu của quá trình sản xuất, máy móc, thiết bị đáp ứng các điều kiện để triển khai dự án đầy đủ. Sau khi hoàn thành công tác chứng nhận tại các doanh nghiệp cho thấy sản phẩm có tính cạnh tranh cao, theo báo cáo của doanh nghiệp thị trường tiêu thụ được mở rộng tăng 30%, chất lượng sản phẩm ổn định, các sản phẩm lỗi được kiểm soát ở mức thấp nhất..”, ông Nguyễn Văn Ngọc Tường, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ quá trình áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại 03 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang là mối quan tâm của người dân do thực trạng sản xuất sản phẩm không an toàn. Sản xuất thực phẩm theo chuỗi đang là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay do sự thuận tiện trong quản lý chất lượng các nguồn nguyên liệu đầu vào đến công nghệ chế biến thích hợp, góp phần đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP/ISO 22000 giúp giảm rủi ro, như một bằng chứng cam kết với khách hàng, thị trường về quản lý an toàn thực phẩm.
Sau 04 tháng thực hiện (từ tháng 7/2022-10/2022), thông qua Dự án được hỗ trợ từ Chương trình Năng suất chất lượng kết hợp với vốn đối ứng của doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã triển khai thành công nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, đánh giá áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại 03 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Dự án triển khai đầy đủ các nội dung đã được phê duyệt với kết quả tốt, tiến độ và sản phẩm đảm bảo yêu cầu theo đặt hàng. Bên cạnh đó, các quy trình công nghệ áp dụng có tính mới, phù hợp cao, làm thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống, cải thiện điều kiện và môi trường lao động tiên tiến, hiện đại, đổi mới công nghệ và chuẩn hoá quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, giúp kiểm soát, phòng ngừa sai lỗi hay sự không phù hợp ngay từ những công đoạn đầu tiên sẽ đảm bảo giảm thiểu sản phẩm hỏng không đáng có, tiết kiệm được thời gian, nhân lực và tăng năng suất lao động,...
.png)
Quy trình chứng nhận ISO 22000/HACCP tại doanh nghiệp
Qua báo cáo kết quả Dự án, Hội đồng khoa học đã đánh giá cao sự cần thiết, những lợi ích, giá trị thực tiễn và khả năng áp dụng tại các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung để làm rõ hơn kết quả đạt Dự án đạt được. Cụ thể, cần bổ sung kinh phí duy trì, vận hành hàng năm; có sự đánh giá chi tiết, rõ ràng kết quả trước và sau khi áp dụng hệ thống quả lý chất lượng tại các đơn vị và nêu rõ vai trò của doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua Dự án, tạo hiệu ứng lan toả kết quả rộng rãi hơn đến các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh,.. Sau khi xem xét đánh giá kết quả, Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu và đánh giá Đạt đối với Dự án.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng - Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu và đơn vị chủ trì Dự án tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng để chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung báo cáo tổng hợp theo quy định. Đồng thời đề nghị bổ sung đánh giá hiệu quả mang lại, năng suất đạt được và việc nhận diện thương hiệu có thay đổi tích cực như thế nào sau khi các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất được chứng nhận các tiêu chuẩn trên,..
.jpg)
Thành viên Hội đồng và đơn vị chủ trì chụp hình lưu niệm
Dự án thực hiện hành thông góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về việc khuyến khích áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến vào doanh nghiệp, thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường ngày càng khắt khe, khó tính như hiện nay.
HACCP là từ viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Point trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là "hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn". Hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu. Công cụ này giúp tập trung nguồn lực kỹ thuật, chuyên môn vào những bước chế biến có ảnh hưởng quyết định đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
ISO 22000 là tiêu chuẩn do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng tập trung vào an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này có liên hệ với tiêu chuẩn ISO 9000. Tên đầy đủ là ISO 22000 Food safety management systems - Requirements for any organization in the food chain (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).
Doanh nghiệp đạt chứng nhận Hệ thống quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP sẽ được nhìn nhận là có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo được lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt tạo điều kiện dễ dàng cho việc xuất khẩu sang các thị tường khó tính trên thế giới. Bên cạnh đó, việc áp dụng ISO 22000/HACCP còn mang lại nhiều lợi ích khác như: Giảm giá thành sản phẩm do giảm chi phí xử lý sản phẩm sai hỏng, chi phí và thời gian đánh giá thử nghiệm; Có thể được xem xét miễn, giảm kiểm tra khi có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP; Đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành; Có được niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng và cộng đồng; Thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
|