
Mục đích nhằm thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản. Từ đó, tăng cường sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự ủng hộ của quốc tế, nhất là thế hệ trẻ góp phần làm sâu sắc hơn, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự tin cậy về chính trị, củng cố và phát triển nói chung và Thừa Thiên Huế với các địa phương, đối tác Nhật Bản nói riêng trong tình hình mới.
Tại Hướng dẫn chỉ rõ 05 nội dung tuyên truyền trọng tâm cụ thể gồm: (1) Lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và các thành tựu hợp tác của hai nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác địa phương Nhật Bản nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay; (2) Ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9). Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, đặt nền móng cho sự hợp tác song phương kể từ đó không ngừng phát triển giữa hai nước vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á, cũng như các văn kiện hai bên đã ký kết, triển khai; (3) Tuyên truyền, giới thiệu về đất nước, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Giới thiệu những cá nhân điển hình người Nhật Bản có đóng góp tích cực cho sự phát triển của quan hệ hai nước, của Thừa Thiên Huế với các địa phương, đối tác Nhật Bản; (4) Các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức… ở cả hai nước nhằm tuyên truyền và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; (5) Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc về mối quan hệ giữa hai nước, quan hệ giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương, đối tác Nhật Bản.
Về hình thức tuyên truyền: Các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương, đơn vị tùy tình hình cụ thể để triển khai công tác tuyên truyền, kỷ niệm với các hình thức đa dạng, phong phú, đảm bảo thiết thực và hiệu quả; Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông thông qua các ấn phẩm, phóng sự, bài viết, phỏng vấn, tọa đàm, đồ họa, triển lãm, vận dụng các nền tảng truyền thông mới, mạng xã hội; đa dạng hóa phương thức truyền tải, tận dụng truyền thông đại chúng, công nghệ số, mạng xã hội để lan tỏa các nội dung tuyên truyền; đưa thông tin tuyên truyền vào nội dung sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể. Đồng thời phát huy tối đa vai trò của hệ thống các cơ quan đại diện, các hội đoàn, cá nhân uy tín, các phóng viên và kênh truyền thông tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối tuyên truyền, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, nhất là thế hệ trẻ.
(Chi tiết xem file đính kèm)