Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đâu là giải pháp để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập
Ngày cập nhật 24/09/2022

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm của thị trường KH&CN. Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị: “Phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiện đại và hội nhập” diễn ra vào chiều 23/9 tại Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị, nguồn ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ban ngành và đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Khoa học và công nghệ cần được xem là quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc

Nhìn vào tổng thể bức tranh kinh tế chung, những năm gần đây KH&CN đã thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30-35%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khối ASEAN và cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở Châu Á.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta liên tục được cải thiện, hiện đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016. Nhiều công nghệ mới, tiến tiến được tạo ra, tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát triển KH&CN còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của KH&CN trong tiến trình phát triển đất nước. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tư duy và tầm nhìn đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hiện đại, không bị chi phối bởi các yếu tố nước ngoài, tự chủ phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ lõi, công nghệ phần mềm góp phần từng bước phát triển nguồn nhân lực KHCN & Đổi mới sáng tạo (ĐMST) gắn với khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển thị trường KH&CN phải dựa vào cung cầu thị trường

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Thị trường KH&CN là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển mạnh thị trường KH&CN là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN và ĐMST, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư và tiến trình hội nhập nền kinh tế sâu rộng như hiện nay”.

Để phát triển KH&CN, bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành cần phải có cách tư duy phương pháp luận, cách thức tiếp cận với thị trường KH&CN, vừa có cái chung của thị trường vừa có đặc thù riêng của KH&CN. Theo đó, phát triển thị trường KH&CN phải tuân thủ quy luật thị trường đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Cầu nối của giá thành giảm, chất lượng cao, thanh toán thuận lợi chính là KH&CN. 

Đánh giá về nguồn cung hàng hoá KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Nhìn chung, nguồn cung hàng hoá KH&CN ở nước ta được hình thành ngày một phong phú và đa dạng từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học và các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chiếm khoảng 25% thị phần hàng hoá KH&CN được các doanh nghiệp nước ta tiêu thụ. Phần lớn hàng hoá KH&CN (75%) có nguồn gốc nước 7 ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc (25%) và Đài Loan (Trung Quốc) (16%); thị phần hàng hoá KH&CN từ các nước phát triển có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây và giảm dần các hàng hoá KH&CN đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú và đa dạng, nhưng lượng hàng hoá KH&CN từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta chưa sẵn sàng thị trường, tức còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành hàng hoá KH&CN để có thể lưu thông trên thị trường; hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ chưa thực sự được quan tâm đúng mức, còn thiếu các chính sách khuyên khích thương mại hoá, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cũng như sự gắn kết, hợp tác bền vững giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp”.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đặt ra các vấn đề xoay quanh để phát triển nguồn cung cầu thị trường KH&CN. Theo đó, để phát triển thị trường KH&CN cần phải làm rõ sản xuất cho ai? sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? phải bán những cái thị trường cần hoặc những thứ thị trường sẽ cần trong tương lai. Hay liệu rằng, nhà nước có nên tiên phong là khách hàng lớn tiêu thụ các sản phẩm KH&CN để khuyến khích thị trường cung cầu KH&CN phát triển hay không? Và bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam liệu đã đáp ứng đủ điều kiện để làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ và xa hơn là sáng tạo ra công nghệ trong tiến trình hội nhập quốc tế này hay chưa?

Bàn về quan điểm này, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho rằng: “Chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam. Do đó, cần phải hiểu rõ, chuyển giao cái gì, chuyển giao cho ai, lợi ích gắn liền với việc chuyển giao như thế nào. Ông cho biết, Samsung đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, giúp các công ty nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu tỉ lệ lỗi, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận”.

Phát triển thị trường KH&CN theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập

Xét theo thị trường KH&CN Việt Nam so với các nước đang phát triển và các nước trong khu vực, thị trường KH&CN nước ta còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất đây là nguyên nhân quan trọng làm yếu đi động lực phát triển KHCN & ĐMST.

Thể chế chính sách, phát triển thị trường KH&CN còn bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến việc hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắt. Các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các nhà khoa học còn hạn chế, làm khan hiếm nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ còn yếu, chưa đủ năng lực, uy tín để thúc đẩy giao dịch công nghệ, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước để kết nối với các thị trường KHCN trong khu vực và quốc tế. Hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học công nghệ còn yếu kém, lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác với các chủ thể tham gia, nền tảng kỹ thuật chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm.

Nhìn thẳng vào vấn đề để đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, vướng mắc, rào cản, thách thức để các cấp, các ngành cần định hướng rõ những bước đi phù hợp hơn, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường KH&CN.

Bàn về các giải pháp để phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng: “Chính phủ và các địa phương cần tạo chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ. Chính phủ Việt Nam cần có ưu đãi cho các công ty đầu tư vào ngành công nghệ cao, các chính sách của Việt Nam cũng cần phải nỗ lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Để có thể thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu cần được trao cơ hội để họ có thể tiếp tục phát triển chuyên môn của mình cũng như học hỏi các bài học, lỗi lầm trong quá khứ. Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể tham gia vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, chúng tôi cũng tiếp tục cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam vì lợi ích chung của cả hai”.

Liên quan đến đề xuất các phương án thương mại hóa được sản phẩm KH&CN, Đại sứ toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam cần chú trọng xây dựng các chương trình quốc gia để giúp cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tăng cường sự cam kết, mối quan hệ giữa các bên liên quan để đi đến những thỏa thuận hợp tác. Hỗ trợ các bên trung gian hình thành các đơn vị chuyển giao công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực cho các tổ chức chuyển giao, doanh nghiệp ứng dụng KHCN tiên tiến và sáng tạo công nghệ mới trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị, nguồn ảnh: Báo Bắc Giang

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thị trường KH&CN. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Thứ hai, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng.

Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạnh mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.

Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Tăng cường xúc tiến thị trường KH&CN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số về thị trường KH&CN trong nước và quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thị trường KH&CN và phát triển thị trường KH&CN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Thứ ba, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KH&CN.

Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KH&CN, thị trường KH&CN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mai Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 5.757.153
Truy cập hiện tại: 3.386